Một số điểm đang lưu ý trong Luật Quy hoạch 2017:
Nghiêm cấm hành vi từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch
Một trong những điểm nổi bật của Luật Quy hoạch 2017 là việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch những năm vừa qua, gồm:
- Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.
- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.
- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.
- Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.
- Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.
Quy hoạch không được mang tính “nhiệm kỳ”
Quy hoạch thay đổi theo nhiệm kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối đã tạo thành một lực cản cho sự phát triển của từng địa phương và cả nước. Để khắc phục những hạn chế, tại Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 quy định trong hoạt động quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.
- Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.
- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến về quy hoạch
Theo quy định tại Điều 19 Luật Quy hoạch 2017, khi lập quy hoạch cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy hoạch, cụ thể:
- Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến.
- Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề.
Cơ quan lập quy hoạch lấy ý kiến về quy hoạch thông qua các hình thức sau:
- Gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
- Việc lấy ý kiến cộng đồng được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch;
- Niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, phát phiếu điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch trong việc xử lý ý kiến đóng góp:
- Ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
- Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp.
Điều chỉnh quy hoạch không được làm thay đổi mục tiêu quy hoạch
Đây là một trong những nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch, theo đó:
- Việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch, trừ các trường hợp sau:
+ Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;
+ Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;
+ Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;
Điều chỉnh quy hoạch không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý mà phải dựa trên những căn cứ theo quy định.
Điều 53 Luật Quy hoạch 2017 chỉ rõ, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;
- Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp;
- Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;
- Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;
- Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch;
- Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch;
- Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quy trình lập quy hoạch tỉnh
Theo khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch 2017, lập quy hoạch tỉnh được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Xây dựng nhiệm vụ quy hoạch tỉnh
Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Bước 2: Đánh giá thực trạng và đề xuất các mục tiêu, địch hướng phát triển
- Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch;
- Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch;
Bước 3: Xây dựng nội dung quy hoạch
Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi cơ quan lập quy hoạch;
Bước 4: Xử lý, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch
Cơ quan lập quy hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng;
Bước 5: Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch
Các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công gửi cơ quan lập quy hoạch;
Bước 6: Hoàn thiện và lấy ý kiến về quy hoạch
Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định.
Bước 7: Tiếp thu, giải trình và hoàn thiện quy hoạch
- Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch;
- Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Bước 8: Trình để xem xét, thông qua và phê duyệt
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Quý vị có thể xem hoặc download tại đây