Định nghĩa Biệt thự nghỉ dưỡng
Biệt thự xây dựng trong khuôn viên đất của khách sạn nghỉ dưỡng, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
Nguyên tắc chung đối với Biệt thự nghỉ dưỡng
1. Khu đất xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng nằm trong khuôn viên đất của khách sạn nghỉ dưỡng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Biệt thự nghĩ dưỡng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ thiết kế của công trình. Không xây dựng trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất...), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng.
3. Các biệt thự nghỉ dưỡng phải được bố trí theo dây chuyền hoạt động phù hợp và đảm bảo thuận tiện khi tiếp cận và sử dụng, các luồng giao thông mạch lạc không chồng chéo; Đồng thời phải đảm bảo sự cách ly, riêng biệt về mặt bằng và không gian; Không ảnh hưởng lẫn nhau về trật tự vệ sinh và mỹ quan.
4. Bố cục tổng mặt bằng biệt thự nghỉ dưỡng phải được xem xét tổng thể, kể cả những bộ phận kỹ thuật đặt ngoài công trình chính, có tính đến dự kiến phát triển trong tương lai.
5. Diện tích khuôn viên đất xây dựng một biệt thự nghỉ dưỡng bao gồm cả sân vườn phải đảm bảo không nhỏ hơn 150 m2.
6. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao biệt thự nghỉ dưỡng tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Diện tích sân vườn cây xanh, cảnh quan, giao thông, công trình phụ trợ ngoài nhà (nếu có) phải đạt tối thiểu 40% diện tích khuôn viên đất xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng.
8. Biệt thự nghỉ dưỡng phải được thiết kế sân, vườn, không gian xung quanh phù hợp, môi trường thoáng mát, sạch đẹp. Giải pháp kiến trúc đảm bảo an toàn, thẩm mỹ phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu của khu vực, đảm bảo yêu cầu thông thoáng, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
9. Tổ chức phân khu chức năng rõ ràng giữa các bộ phận trong biệt thự nghỉ dưỡng, có dây chuyền công năng hợp lý, thuận tiện trong giao tiếp; Đảm bảo mối liên hệ cũng như sự riêng tư giữa các không gian chức năng.
10. Biệt thự nghỉ dưỡng cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn cháy, nổ và các quy định liên quan. Việc trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tuân thủ các yêu cầu của quy định hiện hành.
11. Biệt thự nghỉ dưỡng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng;
- Sử dụng năng lượng hiệu quả;
- An toàn sinh mạng và sức khỏe;
- Được thông gió, chiếu sáng tự nhiên tối đa, ưu tiên vị trí, hướng chiếu sáng và lấy gió tự nhiên cho các phòng ở chính;
- Phòng chống mối tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn áp dụng;
- Bảo trì theo đúng quy trình.
Yêu cầu thiết kế kiến trúc của Biệt thự nghỉ dưỡng
1. Khi thiết kế biệt thự nghỉ dưỡng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Kiến trúc sang trọng, có thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan môi trường, khuyến khích kế thừa kiến trúc truyền thống;
- Có khuôn viên độc lập;
- Có cảnh quan sân vườn, cây xanh;
- Có lối ra vào riêng cho phương tiện giao thông và người đi bộ;
- Các chi tiết mặt đứng như cửa đi, cửa sổ, chớp che nắng, sênô, lan can, ban công, lô gia, mái, gờ, phào, chỉ, bậc cấp... phải thiết kế phù hợp với hướng gió, hướng nắng.
2. Các phòng/không gian trong biệt thự nghỉ dưỡng cần được thiết kế rộng rãi, hợp lý về dây chuyền sử dụng, thích ứng linh hoạt với nhu cầu chuyển đổi không gian, có hướng mở và tiếp xúc với không gian bên ngoài, bao gồm:
- Sảnh, tiền phòng;
- Các phòng ở chính: phòng tiếp khách, phòng/không gian sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng ăn;
- Các phòng/không gian phụ: bếp, vệ sinh, kho, ban công, logia,...;
- Cầu thang, hành lang.
3. Chiều cao thông thủy tối thiểu các phòng/không gian trong biệt thự nghỉ dưỡng cần đáp ứng yêu cầu sau:
- Các phòng ở chính: không nhỏ hơn 2,7 m;
- Sảnh, tiền phòng và các phòng phụ: không nhỏ hơn 2,4 m.
4. Lối vào chính phải dẫn đến sảnh hoặc tiền phòng và liên hệ thuận tiện với các không gian khác trong biệt thự nghỉ dưỡng.
5. Phòng khách và phòng/không gian sinh hoạt chung phải có sự liên hệ thuận tiện với sảnh/tiền phòng.
6. Phòng ngủ cần bố trí ở vị trí đón gió mát, hạn chế gió lạnh, đảm bảo thông thoáng, yên tĩnh và độc lập với các phòng/không gian khác.
7. Ban công và logia cần thiết kế có diện tích đủ để đảm bảo yêu cầu che chắn nắng, thông gió tạo môi trường thoáng mát cho ngôi nhà. Chiều cao lan can không nhỏ hơn 1,10 m (tính từ mặt sàn hoàn thiện).
8. Bếp được bố trí liền kề phòng ăn và phải đảm bảo vệ sinh, thông gió, thoát khói.
9. Phòng ăn có thể bố trí liền với phòng/không gian sinh hoạt chung.
10. Phòng vệ sinh nên thiết kế đảm bảo chiếu sáng và thông gió tự nhiên:
- Phòng vệ sinh chung có thể được thiết kế ở mỗi tầng và ở vị trí phù hợp với nhu cầu sử dụng;
- Phòng vệ sinh riêng được thiết kế liền kề các phòng ngủ.
11. Trong biệt thự nghĩ dưỡng có thể bố trí phòng giặt là với kho chứa đồ riêng biệt.
12. Cầu thang cần đáp ứng nhu cầu sử dụng, có thể thiết kế gắn liền không gian sảnh hoặc bố trí ngay trong phòng khách và có hình thức như một bộ phận trang trí.
- Chiều rộng thông thủy vế thang không nhỏ hơn 0,90 m. Chiều rộng mặt bậc thang không nhỏ hơn 0,25 m và chiều cao bậc thang không lớn hơn 0,19 m.
- Chiều cao lan can cầu thang không được nhỏ hơn 0,90 m;
- Khe hở giữa các thanh đứng của lan can cầu thang không lớn hơn 0,10 m và có cấu tạo khó trèo.
13. Các cửa ra vào, lối đi các phòng ở chính có chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 0,90 m và chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 2,00 m; cửa ra vào các phòng phụ có chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 0,80 m.
14. Cửa sổ của biệt thự nghỉ dưỡng phải đảm bảo an toàn về độ bền cơ học, độ bền chịu áp lực gió, độ bền chịu thấm nước, độ lọt không khí và cách âm.
15. Sàn và nền nhà cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong TCVN 9359 và TCVN 9362;
16. Mái nhà cần đảm bảo chức năng cách nhiệt, chống thấm theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng và quy định hiện hành.
Yêu cầu thiết kế kết cấu của Biệt thự nghỉ dưỡng
1. Cần tính toán thiết kế kết cấu an toàn, bền vững, chịu được các tải trọng và tổ hợp tải trọng bất lợi nhất tác động lên chúng, kể cả tải trọng theo thời gian, các tải trọng liên quan đến điều kiện tự nhiên của Việt Nam (gió bão, động đất, sét, ngập lụt).
2. Hệ kết cấu có sơ đồ làm việc rõ ràng, dễ kiểm soát, khuyến khích thống nhất hoá và điển hình hoá kết cấu chịu lực cũng như bao che nhưng vẫn đảm bảo sự linh hoạt và đa dạng của kiến trúc
3. Giải pháp kết cấu đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, phù hợp với quy mô, số tầng và đảm bảo các không gian, giải pháp kiến trúc.
4. Thiết kế, tính toán chống động đất cần phù hợp quy định trong TCVN 9386.
5. Vật liệu sử dụng phải đảm bảo bảo yêu cầu phòng cháy, cách âm, cách nhiệt và độ bền lâu trước tác động của khí hậu, xâm thực của môi trường xung quanh, của các tác nhân sinh học và tác nhân có hại khác đảm bảo cho kết cấu công trình có khả năng chịu lực và khả năng sử dụng bình thường mà không phải sửa chữa lớn trong suốt thời hạn sử dụng (tuổi thọ thiết kế) công trình.
6. Tuổi thọ thiết kế của công trình phải được nêu rõ trong hồ sơ thiết kế và các hồ sơ khác của công trình theo quy định của pháp luật. Đến thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình (tuổi thọ thiết kế), chủ đầu tư/người quyết định đầu tư cần có thông báo và tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng của công trình để có biện pháp can thiệp kéo dài thời hạn sử dụng hoặc có biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
7. Khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường và vật liệu địa phương.
...
Chi tiết nội dung Tiêu chuẩn, mời Quý vị xem hoặc download tại đây: